I. Vị trí, chức năng
1. Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành chăn nuôi, thú y của Trung ương theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm thực hiện chức năng nuôi giữ giống gốc, giống vật nuôi quý, hiếm và bản địa; cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong chăn nuôi, thú y; sản xuất và dịch vụ các loại giống vật nuôi; cung cấp dịch vụ và sản phẩm chăn nuôi; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y; chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật.
3. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Trung tâm hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Nuôi giữ, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa, nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật.
2. Nuôi giữ giống gốc lợn ngoại cấp ông bà, sản xuất lợn giống bố mẹ thuần ngoại; sản xuất giống gia cầm, giống bò chất lượng cao và các giống vật nuôi khác.
3. Triển khai các chương trình, dự án về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, bệnh động vật; hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi.
4. Tổ chức sản xuất kinh doanh, dịch vụ về lĩnh vực chăn nuôi bao gồm: con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin, tinh nhân tạo, vật tư thiết bị, sản phẩm chăn nuôi, chuyển giao quy trình công nghệ trong chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, tổ chức khám bệnh, kê đơn, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe động vật theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức tiếp công dân; phổ biến giáo dục pháp luật; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
7. Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
8. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế viên chức, cơ cấu ngạch viên chức, vị trí việc làm, lao động hợp đồng; đào tạo, bồi dưỡng viên chức và thực hiện các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý theo phân cấp và quy định của pháp luật.
9. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản, nguồn lực khác theo quy định của pháp luật và phân cấp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
10. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.